Ngành Kinh doanh Mỹ phẩm: Xu hướng và Thách thức.

MỤC LỤC: Nội dung chính.

Rất nhiều người đã chia sẻ với Oanh rằng họ thích công việc mà Oanh đang làm và rất muốn tham gia vào ngành kinh doanh mỹ phẩm. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, họ không biết bắt đầu từ đâu.

Vì vậy, hôm nay Oanh viết tài liệu ngắn này dành cho các chị. Oanh không dám tự nhận đây là một hướng dẫn vì Oanh cũng còn nhiều điều để học hỏi trong nghề này. Nhưng với kinh nghiệm từ một người đi trước, Oanh mong rằng bài viết này sẽ giúp các chị có cái nhìn rõ ràng hơn về nghề tư vấn chăm sóc da cũng như về việc kinh doanh mỹ phẩm.

Okie! Giờ chúng ta sẽ bắt đầu với việc học trước nhé. Theo quan điểm của Oanh, bất cứ một nghề nghiệp nào cũng đều bắt đầu từ việc học hỏi.

#1. Học gì?

Dù mục tiêu của các chị là trở thành chuyên viên tư vấn chăm sóc da hay là chủ thương hiệu mỹ phẩm, điều đầu tiên các chị cần học là những kiến thức cơ bản về chăm sóc da và mỹ phẩm.

Các chị cần tìm hiểu về quy trình chăm sóc da tối thiểu bao gồm bao nhiêu bước, cách thực hiện từng bước như thế nào.

Các chị cũng nên tìm hiểu mỹ phẩm là gì, có những loại nào và cách sử dụng từng loại như thế nào.

Những kiến thức cơ bản này hoàn toàn có thể được học từ các buổi workshop về chăm sóc da, qua sách báo hoặc qua các khóa học online.

P.s: Oanh cũng có tài liệu hướng dẫn chăm sóc da cơ bản, nếu chưa xem thì các chị có thể tham khảo tại ĐÂY.

Sau khi nắm vững các kiến thức cơ bản về chăm sóc da và mỹ phẩm, bây giờ là lúc các chị lựa chọn hướng đi cho mình.

#2. Làm gì?

Đến đây, chúng ta sẽ nói về những hướng đi! Hiện tại có 5 con đường khác nhau để các chị lựa chọn.

  • Trở thành chuyên viên tư vấn chăm sóc da.
  • Mở cửa hàng mỹ phẩm.
  • Mở Spa.
  • Xây dựng thương hiệu mỹ phẩm cho riêng mình.
  • Xây dựng nhà máy gia công mỹ phẩm.

Tuỳ thuộc vào năng lực và vốn tài chính của mỗi người, các chị có thể lựa chọn con đường phù hợp nhất với mình.

Ví dụ, nếu các chị đang thất nghiệp hoặc có ít vốn nhưng đã có kiến thức về mỹ phẩm và chăm sóc da, thì các chị có thể trở thành chuyên viên tư vấn chăm sóc da cho các Spa hoặc nhân viên tư vấn bán hàng cho các thương hiệu mỹ phẩm.

Còn nếu các chị có điều kiện kinh tế tốt hơn, thì có thể hướng đến việc mở Spa, cửa hàng mỹ phẩm, hoặc xây dựng thương hiệu mỹ phẩm riêng. Thậm chí, các chị có thể mở công ty gia công mỹ phẩm.

#3. Làm như thế nào.

Giờ đây, Oanh sẽ sơ lược về từng hướng, để các chị có thể tự đánh giá xem hướng nào phù hợp với mình nhất nhé.

[Trở thành chuyên viên tư vấn chăm sóc da]

Nếu chọn hướng trở thành chuyên viên tư vấn chăm sóc da, sẽ có hai hướng để các chị phát triển.

Hướng thứ nhất: nếu các chị có khả năng giao tiếp tốt qua video, có thể trở thành một Beauty Blogger. Các chị hãy tìm mua những sản phẩm mỹ phẩm phổ biến trên thị trường để dùng thử và quay video review chia sẻ cho mọi người.

Thu nhập sẽ đến từ Youtube. Nếu các chị làm tốt và có nhiều lượt theo dõi, các thương hiệu sẽ chú ý đến các chị, và các công ty Agency sẽ bắt đầu liên hệ.

Chuyện kinh doanh mỹ phẩm. 1

Thu nhập của các chị sẽ tăng theo lượt xem và sự nổi tiếng trên mạng xã hội. Các chị có thể tìm hiểu thêm về KOLs hoặc Influencer để hiểu về nghề này.

Hướng thứ hai: là xin làm nhân viên bán hàng cho các cửa hàng mỹ phẩm hoặc tư vấn viên online cho các Spa.

Tùy vào từng Spa và cửa hàng mỹ phẩm sẽ có những yêu cầu khác nhau. Tuy nhiên, nếu các chị có kiến thức chắc về chăm sóc da và mỹ phẩm, cơ hội việc làm cho các chị là rất lớn.

Một mẹo nhỏ cho các chị là thường xuyên tham gia vào các hội nhóm làm đẹp trên facebook, diễn đàn hoặc đọc thêm tài liệu liên quan đến làm đẹp trên các blog, giống như Oanh, sẽ rất hữu ích.

Những việc này sẽ giúp tăng cường kinh nghiệm và nâng cao kiến thức trong nghề. Kinh nghiệm càng phong phú sẽ giúp thu nhập của các chị càng cao.

[Mở cửa hàng mỹ phẩm]

Nếu các chị quyết định mở cửa hàng bán mỹ phẩm, cũng có hai hướng phát triển.

Hướng thứ nhất là bán mỹ phẩm tổng hợp, nghĩa là tạo một cửa hàng bán nhiều loại mỹ phẩm khác nhau. Ở đây, các chị cần phải biết thêm một số kiến thức như:

  • Facebook Ads.
  • Google Ads.
  • Chatbot.
  • SEO.
  • Quản lý nhân sự.
  • Tổ chức bán hàng.
  • Kế toán.
  • …v.v.

Ngoài ra, các chị cần phải sử dụng thành thạo các ứng dụng quản lý bán hàng cũng như các nền tảng CRM.

  • Kiot Việt.
  • Sapo.
  • Nhanh.vn
  • Haravan.
  • Infusionsoft.
  • …v.v.

Nói chung, hiện nay có khá nhiều công cụ và dịch vụ hỗ trợ cho các chị. Quan trọng là các chị có sẵn sàng học hỏi và làm việc hay không.

Một mẹo nhỏ để xác định sản phẩm nào nên bán trong cửa hàng của mình là hãy theo dõi những Beauty Blogger nổi tiếng trên Youtube.

Họ thường có các video tổng hợp những sản phẩm yêu thích theo tháng hoặc năm. Nhiệm vụ của các chị là nhập sản phẩm đó về và đăng bán trên website, fanpage hay facebook của mình, kèm theo link review của những Beauty Blogger nổi tiếng.

Còn gì tốt hơn khi có Beauty Blogger nổi tiếng đang PR cho sản phẩm mà mình đang bán đúng không nào?

Nếu các chị kinh doanh cửa hàng mỹ phẩm với quy mô lớn, thì các thương hiệu sẽ tự tìm đến các chị. Các chị có thể cho họ thuê các tủ trưng bày trong cửa hàng và một số nhãn hàng sẽ cử nhân viên hỗ trợ bán hàng cho các chị.

Hướng thứ hai là mang thương hiệu mỹ phẩm từ nước ngoài về Việt Nam và trở thành nhà phân phối độc quyền.

Tại những quốc gia có ngành công nghiệp mỹ phẩm phát triển mạnh như Hàn Quốc hay Nhật Bản, có rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng và không phải thương hiệu nào cũng có mặt tại Việt Nam.

Cách thức và giấy tờ cần thiết sẽ được Oanh trình bày chi tiết trong một dịp khác. Trong khuôn khổ của bài viết này, các chị chỉ cần biết rằng điều này hoàn toàn khả thi.

[Mở Spa]

Nếu các chị chọn con đường mở Spa, điều đầu tiên cần làm là học nghề kinh doanh Spa. Tại đây, các chị sẽ được hướng dẫn cách xây dựng và vận hành một Spa hoàn chỉnh.

Các chị sẽ được cung cấp thông tin về chi phí cần chuẩn bị, các thiết bị cần mua, số lượng nhân viên cần tuyển dụng, và chi phí vận hành hàng tháng.

Học xong, các chị sẽ được cấp chứng chỉ nghề và có thể đăng ký giấy phép kinh doanh Spa.

Cũng giống như mở cửa hàng mỹ phẩm, mở Spa cũng đòi hỏi các chị phải học về quảng cáo và xây dựng thương hiệu, cũng như nhiều yếu tố khác.

[Xây dựng thương hiệu mỹ phẩm riêng]

Nếu các chị là:

  • Người nổi tiếng.
  • Diễn viên.
  • Nghệ sĩ.
  • Ca sĩ.
  • Người mẫu.
  • Beauty Blogger.
  • Streamer.
  • Hot Girl / Hot Boy.
  • …v.v.

Nói chung là những người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, các chị đều có thể chọn hướng này.

Tuy nhiên, Oanh xin nhắc lại rằng việc sở hữu thương hiệu mỹ phẩm riêng là điều dễ, nhưng kinh doanh thành công trên thương hiệu đó lại là một câu chuyện khác.

Các chị có biết Michelle Phan không?

Đó là một Beauty Blogger nổi tiếng với những video hướng dẫn makeup triệu view trên Youtube. Nhưng với thương hiệu mỹ phẩm riêng của mình, cô ấy đã trải qua nhiều áp lực và căng thẳng.

Chuyện kinh doanh mỹ phẩm. 2

Vì vậy, trong khuôn khổ của bài viết này, Oanh sẽ chỉ hướng dẫn cách tạo ra thương hiệu mỹ phẩm riêng. Còn việc kinh doanh có thành công hay không thì phụ thuộc vào khả năng, chiến lược và độ nhạy bén với thị trường của từng người.

Để xây dựng thương hiệu mỹ phẩm riêng, bước đầu tiên các chị cần làm là đăng ký giấy phép kinh doanh.

Nếu không quá quan tâm đến thương hiệu hay xuất nhập khẩu như Oanh, chỉ cần đăng ký giấy phép hộ kinh doanh cá thể là có thể làm việc với các xưởng gia công mỹ phẩm.

Trong trường hợp các chị muốn sản phẩm của mình có xuất xứ từ nước ngoài như:

  • Made in Korea.
  • Made in Japan.
  • …v.v.

Các chị cần thành lập công ty và sau đó làm việc với các xưởng gia công ở nước ngoài.

Theo quy định, mỹ phẩm được sản xuất ở quốc gia nào sẽ được gắn mác sản xuất ở quốc gia đó. Do đó, khi các chị gia công tại Hàn Quốc hay Nhật Bản, sản phẩm sẽ mang nhãn hiệu Made in Korea hoặc Made in Japan.

Sau khi hoàn tất các giấy tờ tại địa phương của nhà xưởng, các chị cần thực hiện thủ tục công bố mỹ phẩm nhập khẩu để sản phẩm có thể lưu hành tại thị trường Việt Nam.

Các thủ tục pháp lý có thể được hỗ trợ bởi các công ty luật. Oanh chỉ giới thiệu mô hình cho các chị biết để tham khảo.

Nếu đã nói về gia công mỹ phẩm, Oanh cũng muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm thực tế với các chị.

Các chị nên tham khảo nhiều xưởng trước khi quyết định chọn xưởng gia công, vì không xưởng nào giống xưởng nào.

Ví dụ, xưởng A có kinh nghiệm trong việc làm kem dưỡng, nhưng lại chưa tốt về sữa rửa mặt hay kem chống nắng. Ngược lại, xưởng B thì lại sản xuất sữa rửa mặt và kem chống nắng tốt nhưng không có nhiều kinh nghiệm trong kem dưỡng.

Vì vậy, việc hiểu rõ điểm mạnh và yếu của từng xưởng sẽ giúp các chị lựa chọn xưởng phù hợp cho sản phẩm của mình.

Hiện nay, hầu hết các xưởng có khả năng gia công đa dạng sản phẩm như kem dưỡng, sữa rửa mặt, kem chống nắng, vv… Thậm chí, nếu cần, họ còn có thể phát triển mẫu theo yêu cầu của các chị. Nhưng điều này không đảm bảo rằng sản phẩm sẽ được thị trường chấp nhận.

Để có một bộ sản phẩm skincare hoàn chỉnh và được khách hàng chấp nhận, Oanh đã mất hơn 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm. Oanh đã trải qua nhiều khó khăn trước khi đạt được kết quả như hôm nay.

Chuyện kinh doanh mỹ phẩm. 3

Vì vậy, Oanh khuyên các chị nên chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh cụ thể và xác định đối tượng khách hàng tiềm năng của mình.

Xác định hành vi và nhân khẩu học của họ :

  • Họ sống ở đâu?
  • Họ làm gì?
  • Họ thường gặp nhau ở đâu?
  • Nhu cầu chăm sóc da của họ ra sao?
  • Họ thích sản phẩm có mùi gì?
  • Họ thích sản phẩm có màu sắc như thế nào?
  • Họ thích mua online hay offline?
  • …v.v.

Càng xác định chính xác đối tượng khách hàng tiềm năng thì mô hình kinh doanh của các chị càng có khả năng thành công.

Tất cả những điều này cho thấy rằng con đường xây dựng thương hiệu mỹ phẩm riêng không dành cho những người mới. Nó rất phức tạp và đòi hỏi kiến thức và vốn tài chính lớn.

Không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ rằng chỉ cần sản xuất là có thể bán được. Mua một sản phẩm mỹ phẩm cho bản thân rất dễ, nhưng bán một sản phẩm thì lại rất khó khăn.

[Xây dựng nhà máy gia công mỹ phẩm]

Con đường cuối cùng mà các chị có thể tham khảo là xây dựng nhà máy gia công mỹ phẩm. Tương tự như xây dựng thương hiệu mỹ phẩm, hướng đi này cũng không dành cho người mới.

Tuy nhiên, trong bài viết này, Oanh sẽ giới thiệu sơ qua để các chị hiểu được cách xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất mỹ phẩm.

Đến thời điểm Oanh viết tài liệu này (2019), chúng ta có 4 tiêu chuẩn cho nhà xưởng như sau:

  1. Nhà xưởng theo tiêu chuẩn nghị định 93.
  2. Nhà xưởng theo tiêu chuẩn cGMP ASIAN.
  3. Nhà xưởng theo tiêu chuẩn cGMP WHO.
  4. Nhà xưởng theo tiêu chuẩn ISO 22716.

Phần lớn các nhà xưởng ở Việt Nam hiện nay thuộc các tiêu chuẩn (1) và (2). Vì các thương hiệu mỹ phẩm tại Việt Nam chủ yếu sản xuất để phục vụ thị trường trong nước hoặc xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.

Nếu các chị muốn xuất khẩu sản phẩm đến thị trường Châu Âu hoặc Mỹ, thì nhà máy hoặc nhà cung cấp của các chị cần đạt tiêu chuẩn cGMP WHO hoặc ISO 22716.

Sau khi thiết lập nhà xưởng và mua sắm trang thiết bị, các chị có thể thuê chuyên gia để hỗ trợ. Mỗi chuyên gia sẽ có kinh nghiệm riêng và theo thế mạnh của nhà xưởng mà các chị có thể lựa chọn thuê phù hợp.

Ví dụ, nếu nhà xưởng có dây chuyền sản xuất son, các chị nên thuê chuyên gia về son. Nếu nhà xưởng có dây chuyền làm kem dưỡng, các chị sẽ thuê chuyên gia làm kem dưỡng.

Ngoài ra, các chị cũng nên xây dựng mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương, sở y tế và cục quản lý dược để thuận tiện cho các thủ tục pháp lý sau này.

Nói chung, nếu đã kinh doanh với quy mô hàng tỷ đồng thì các chị sẽ rõ được quy trình này. Lưu ý rằng thuyền lớn thì sóng lớn!

#4. Tổng kết.

Các chị có thấy nội dung dài dằn dặc không? Oanh cũng đã mỏi tay khi viết rồi đây! Đọc có vẻ nhiều nhưng thực tế, khi các chị bắt tay vào làm sẽ còn nhiều hơn nữa hahaha.

Những gì Oanh chia sẻ hôm nay chỉ là những điều cơ bản nhất, để các chị có thể hình dung về nghề này. Khi bắt đầu, các chị sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác mà cần quan tâm. Nhưng Oanh tin rằng nếu các chị thực sự đam mê công việc này, những nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng.

Cố lên các chị nhé! Bất kỳ hành trình nào cũng đều bắt đầu từ những bước đi đầu tiên.

Oanh Phạm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *